Làm cha mẹ là một trải nghiệm thiêng liêng và hạnh phúc nhất trong đời, nhưng việc này không hề dễ dàng. Bất kể con bạn bao nhiêu tuổi, trách nhiệm làm cha mẹ của bạn vẫn luôn tiếp diễn.
Để trở thành cha mẹ tốt, bạn phải cân bằng giữa việc khiến con cái cảm thấy được yêu thương và việc dạy con nhận biết đúng sai. Dù có khó khăn, bạn chỉ cần cố gắng tạo ra môi trường đong đầy yêu thương để con cái trở thành những người tự tin, độc lập và biết quan tâm đến người khác.

Dành cho con tình yêu thương vô bờ bến. Cố gắng tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần với con trong suốt thời thơ ấu. Một cái chạm tay ấm áp hay lời nói ngọt ngào sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm của bạn. Sau đây là vài cách thể hiện tình cảm dành cho trẻ: Âu yếm, hôn lên má, ôm hoặc thậm chí một cái chạm tay ấm áp trên vai trẻ cũng là cách thể hiện sự động viên và trân trọng mà bạn dành cho con.
Nói yêu con mỗi ngày, kể cả khi bạn không vui với cách hành xử của con.Khen ngợi khi con đạt được điều gì đó. Đây là cách giúp trẻ cảm thấy tự hào về thành tích của mình và nhìn nhận tốt về bản thân. Khi con làm được việc tốt, hãy hãy công nhận và cho con biết rằng bạn tự hào về con.
Nếu bạn không cho con sự tự tin mà con cần để tự đi trên đôi chân của mình, con sẽ không có sức mạnh để trở nên tự tin hoặc bản lĩnh.Cụ thể hóa lời khen để con biết mình đã làm tốt điều gì.
Ví dụ, thay vì nói “Tốt lắm!”, bạn có thể nói “Con giỏi lắm khi biết nhường em trong lúc chơi” hoặc “Cảm ơn con vì đã dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong!” Tập trung khen ngợi thành tích và hành động tốt nhiều hơn việc khen năng khiếu của trẻ.
Điều này sẽ giúp trẻ học cách trân trọng việc đối mặt với thử thách khó khăn.Cố gắng tập thói quen khen trẻ thường xuyên hơn việc đưa ra nhận xét tiêu cực. Mặc dù việc lên tiếng khi trẻ có hành động sai trái rất quan trọng, nhưng việc giúp trẻ xây dựng cái nhìn tích cực về bản thân cũng quan trọng không kém. Bên cạnh đó, nếu bạn tập trung quá nhiều vào những việc làm chưa tốt của trẻ, con sẽ thường xuyên lặp lại những hành động đó để thu hút sự chú ý của bạn.

Dành thời gian gặp riêng từng người con. Trẻ cần được cảm thấy quan trọng khi ở bên cha mẹ; vì vậy, hãy chủ động dành thời gian cho từng người con. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể lên kế hoạch cho hoạt động vui nào đó, chẳng hạn như đi bộ, ăn vặt hoặc chơi xếp hình. Khi ở bên con, bạn nhớ dành toàn bộ sự chú ý cho con – trò chuyện với con và lắng nghe những gì con nói. Thậm chí việc dành thời gian thoải mái bên nhau cũng rất ý nghĩa với con.
Cố gắng chia đều thời gian nếu bạn có nhiều con. Tuy nhiên, bạn không cần thực hiện cùng một việc với các con – có thể một trong các con của bạn thích trượt patin và người con khác thích đến thư viện.
Quan tâm đến việc học của con. Ví dụ, khi có thể, bạn sẽ tham gia các hoạt động ở trường của con, cùng con làm bài tập về nhà và theo dõi kết quả học tập để biết học lực của con.
Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận để không khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt vì bị kiểm soát quá mức – hãy cho trẻ được là chính mình. Bạn nên để con cảm thấy khoảng thời gian bên bạn rất đặc biệt, thay vì cảm thấy miễn cưỡng.