Khi nào người ta ghét bạn

Sở dĩ thích em này vì ấn tượng với trang bìa quá, thiết kế đơn giản, không quá cầu kì. Và thích cả cách mà tác giả đặt tựa đề: “Dám bị ghét” – Ngắn gọn nhưng lại thật sự khiến mình tò mò.

Cuốn sách xoay quanh cuộc đối thoại của Triết gia người Nhật dựa trên quan điểm của tâm lý học Adler và sự phản đối kịch liệt của chàng thanh niên trẻ tuổi nhưng luôn mang trong mình nỗi bất hạnh về cuộc sống.

Quan điểm được đưa ra: “Thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc”.
Triết gia nghiên cứu rất sâu về tâm lý học Adler, và ông luôn ủng hộ quan điểm trên. Nhưng chàng thanh niên lại khác, anh ta không tin rằng con người có thể tự tạo ra hạnh phúc, mà luôn viện cớ và đổ lỗi cho quá khứ, rằng quá khứ quyết định tất cả, cho hiện tại và cả tương lai.

Ban đầu, khi đọc quyển sách này, thấy bực mình thật sự. Dù biết đó là cách mà tác giả cố tình xây dựng nhân vật, để dễ dàng đi sâu vào vấn đề và phát triển thêm nhiều khía cạnh khác. Nhưng vẫn khó chịu vô cùng, cớ sao lại xuất hiện chàng thanh niên cứng đầu như này? Tại sao mọi lời Triết gia nói, anh lại không chịu lắng nghe mà luôn tìm cách để bảo vệ cái quan điểm tiêu cực đến cực đoan của mình? Ngay cả những lời thoại đối đáp lại với Triết gia làm mình càng khó chịu hơn nữa. Luôn đặt lại những câu hỏi trống không và đôi khi là vô lễ!

Thế nhưng, tại sao anh chàng lại bất hạnh đến thế? Vì anh ta đã sống trong một gia đình luôn bị bố mẹ đem ra so sánh với anh trai của mình. Rằng người anh trai đúng chuẩn “con nhà người ta” luôn chăm chỉ, học hành giỏi giang, lựa chọn công việc theo mong muốn của gia đình. Còn anh ta thì ngược lại, trong mắt bố mẹ, anh ta chẳng ra gì, học hành sa sút, năng lực yếu kém, đến khi lựa chọn công việc cũng đi ngược với mong muốn của gia đình. Thật sự bất hạnh!

Chuyển từ trạng thái bực tức, thì đến đây mình lại đồng cảm với anh nhiều hơn. Giờ thì đã hiểu tại sao anh lại cực đoan đến thế. Vì chẳng ai mong muốn mình bị đem đi so sánh với bất kỳ ai cả.

Ngay ngoài đời thực cũng vậy, bố mẹ nào cũng luôn so sánh con cái mình với hình tượng “con nhà người ta”, rồi mục đích cuối cùng bố mẹ mong muốn là gì chứ? Muốn khoe con nhà người, muốn chê con nhà mình, muốn con mình tốt lên hay muốn con mình nhận thấy bản thân chúng thua kém? Nhưng thật sự thì các bậc phụ huynh đã có cái nhầm lẫn rất nguy hại, việc so sánh trẻ không những không tốt mà nó còn kìm hãm luôn sự phát triển của trẻ. Trẻ bị so sánh sẽ dẫn đến trạng thái bực tức, căm phẫn, đố kỵ,… điều đó vô tình biến các em trở thành một con người ích kỷ lúc nào không hay!
Và một điều quan trọng mà mình thấy tồn tại đầy rẫy khắp cuộc sống xung quanh, đó là nhiều bố mẹ thích NGĂN CẤM và CAN THIỆP vào cuộc sống của con cái!
Việc con cái yêu ai, bố mẹ đều ngăn cấm. Ngay cả việc chọn ngành mình thích hay công việc mình hứng thú, bố mẹ cũng xen vào. Tại sao chứ?

Như Triết gia có nói: “Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người và người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân. Chỉ cần biết phân chia nhiệm vụ, quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi rõ rệt”.

Cũng như việc học tập và làm việc là nhiệm vụ của con cái. Việc ra lệnh “chọn trường A đi”, “chọn công việc B đi” là hành vi can thiệp vào nhiệm vụ của người khác.
Thế nên, thay vì ép buộc con cái đi theo lối suy nghĩ của bản thân, tại sao bố mẹ không thử một lần lắng nghe con của mình muốn gì nhỉ?

Để con cái được quyết định cuộc đời của mình cũng là cách giúp chúng thưởng thành và sống tự lập hơn ai hết. Thay vì ngăn cấm, bố mẹ hãy học cách lắng nghe, góp ý và ủng hộ mọi quyết định của con, miễn đừng để con đi sai hướng, là được.

Cũng như trong mối quan hệ giữa người và người, nếu chúng ta biết phân chia nhiệm vụ và không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác, thì chắc chắn mọi xung đột cũng sẽ hạn chế xảy ra.

Tác giả: 1 bạn trẻ

Suy nghĩ của một bạn trẻ

Đã gần 3h sáng rồi, tớ không ngủ được.

Năm nay tớ 22 tuổi, vừa ra trường, tớ Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Anh. Mọi người thường nghĩ, ngành này ra, việc làm đầy, nhưng tớ thì khác. Có thể, do tớ chưa biết đến các công việc khác, tớ apply vào vài trung tâm gần Trường, nhưng kết quả không như tớ mong đợi. Tớ vẫn chưa hiểu vì sao nữa.

Có chỗ thì công việc cũng khá ổn, nhưng khi phỏng vấn xong, bên Trung tâm không phản hồi lại với tớ, tớ đợi, chờ tới khi tớ phải gọi trực tiếp, họ mới bảo là nhân sự bên họ đột nhiên đi làm lại rồi, hay có Trung tâm thì bảo là vài ngày nữa sẽ có kết quả, nhưng cũng chẳng thông báo lại cho mình là họ tìm được người rồi, có Trung tâm thì cho mình dạy demo, nhưng cứ hẹn hết ngày này qua ngày khác,… tớ không hiểu nữa….

Nhưng thực ra, tớ ngẫm ra một điều, tớ biết sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực, đó là “GIÁ NHƯ”.

Giá như khi còn học Đại học, tớ cố gắng thêm chút nữa, học nhiều hơn chút nữa, chịu khó hơn chút nữa, thì bây giờ tớ có thể tự tin về bản thân nhiều hơn.

Tớ không dám gọi về cho bố mẹ, tớ sợ, sợ cả chính bản thân mình. Tớ chưa từng nghĩ bản thân lại rơi vào trường hợp như thế này, tớ đã khóc, tớ hối hận…

Bây giờ, tớ chỉ biết cố gắng, củng cố để nắm chắc số kiến thức mà tớ bỏ quên, củng cố lại phong cách làm việc, tớ vẫn đang apply vào các trung tâm khác, tớ vẫn hy vọng, tớ hy vọng sự cố gắng hơi muộn của tớ này có thể cứu vãn được những gì tớ đã đánh mất.

Tớ vẫn hy vọng, trong con người tớ, vẫn còn yêu ngành mình học, tớ tự nhủ, tớ sẽ không bỏ cuộc.

Tớ vẫn hy vọng, nhưng cái khó khăn trong lúc này, sẽ làm tớ mạnh mẽ hơn, biết cố gắng hơn, cố gắng để hoàn thiện bản thân, cố gắng để làm hết khả năng của mình.