HÃY BƯỚC THÊM MỘT BƯỚC NỮA

Nguyên lý này thật đơn giản. Nó ứng dụng hữu hiệu cho mọi lớp người không phân biệt tuổi tác, màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Đó là … nếu con phải đi một dặm đường, hãy cố gắng đi hai dặm. Luôn luôn bước thêm một bước nữa.

Cách duy nhất để thành công trong bất cứ một hoàn cảnh nào, một công việc nào … là luôn luôn cố gắng vượt quá chỉ tiêu đòi hỏi nơi mình, luôn luôn dâng hiến nhiều hơn, từ sản phẩm đến dịch vụ, từ công việc đến xử thế, bất cứ trong hoàn cảnh nào. Đây là thói quen số một của mọi người thành công. Cách chắc nhất khiến con người trở thành hèn mọn là chỉ làm đủ việc mà con đã được trả lương để làm.

Đừng nghĩ rằng nếu con cho đi nhiều hơn con nhận là con bị lừa gạt. Giống như một quả lắc, con càng kéo về một phía thật xa, quả lắc sẽ dao động qua chiều đối diện gấp chục lần lực đẩy. Nếu ngày nay, con không nhận được phần mình, để càng lâu, phần của con sẽ sinh sôi nảy nở gấp trăm lần.

Nếu con không chịu bước đi một bước nữa, chỉ làm vừa đủ, là con đã tuyên án cho đời con một kiếp sống hèn mọn. Luật nhân quả và thừa trừ luôn luôn tuyệt đối. Trái chín mà ngày nay con hưởng thụ đã hiện diện trong cái nhân con vừa gieo trồng ngày hôm qua. Không bao giờ sai trật.

Luôn luôn bước thêm một bước nữa.

Nếu con nghĩ rằng con đang phục vụ một tên chủ không biết điều, hãy tiếp tục phục vụ hắn. Hãy để ta làm người mang nợ của con. Và ta hứa là ta sẽ trả cho con đầy đủ … nợ càng lâu, lãi xuất càng tích lũy và con sẽ thụ hưởng toàn vẹn cái tích lũy cấp số của món nợ này.

Ta không thể ban cho con sự thành công… chỉ có con là xứng đáng với trái quả mà con đã gieo trồng.

Hãy bước thêm một bước nữa.

-Alan-

CỘNG ĐỒNG DO THÁI Ở MỸ

Mỹ là một quốc gia hợp chủng quốc, nên những doanh nhân thời kỳ đầu ở Mỹ vẫn giữ ít nhiều bản sắc của dân tộc mình trong lề lối làm ăn. Đôi khi tính dân tộc đó cộng hưởng nhau tạo sức ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Cộng đồng doanh nhân gốc Do Thái là một ví dụ điển hình.

Tuy người Do Thái tại Mỹ chiếm thiểu số, chỉ có 5,4 triệu người (chiếm chưa tới 2% dân số Mỹ) nhưng họ đoàn kết rất chặt chẽ, rất giống với các bang hội của người Trung Quốc. Nếu so sánh với các sắc tộc khác, thì quyền lực mà cộng đồng Do Thái ở Mỹ tạo ra thật “khủng khiếp”. Ước tính khoảng 70% những người có thế lực trong ngành sản xuất phim ảnh của Hollywood là người Do Thái và cũng khoảng 60% đang nắm giữ những ngành quan trọng như ngân hàng, báo chí, chứng khoán… Đặc tính liên kết của họ rất cao, thông qua sự kết nối của các giáo sĩ, tạo ra độ tin cậy nhau cực lớn.

Trên hết, người Do Thái rất thông minh, có kỹ năng quản trị nhạy bén và cách xử lý tài chính tài tình. Tôi có thể khẳng định rằng, không có dân tộc nào trên thế giới có thể bắt kịp người Do Thái trong lĩnh vực kinh doanh. Từ một quốc gia mới thành lập và không có tài nguyên thiên nhiên ưu đãi gì vào năm 1949, ngày nay Israel của người Do Thái đã trở thành một quốc gia phát triển kinh tế hàng đầu của thế giới.

Câu chuyện về ông chủ tịch hãng Eisenberg nơi tôi làm việc là một minh chứng rõ rệt. May mắn thoát khỏi trại diệt chủng ở Áo năm 1945 khi mới 17 tuổi, ông ta trở về Đức. Chỉ một năm sau, ông quyết định sang Nhật vì nghĩ rằng nơi đây có nhiều cơ hội tiềm năng hơn. Sau chiến tranh, đất nước Nhật điêu tàn, nhưng sự tàn phá đó đem đến cho ông một nguồn lợi rất lớn là kinh doanh sắt vụn. Rồi sau đó, khi chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên vừa chấm dứt, ông ta lại nắm ngay lấy cơ hội đầu tư thứ hai khi nhảy vào Hàn Quốc liên doanh với các công ty mà sau này trở thành các tập đoàn lớn như Hyundai, Samsung, Daewoo… Năm 1975, ông ta tiếp tục sang Bắc Kinh và làm chấn động giới lãnh đạo nơi đây khi đầu tư 200 triệu đô la. Sau đó, dù các dự án liên doanh 200 triệu này mất trắng, nhưng theo một nguồn tin, ông ta đã kiếm được 1,5 tỷ đô la nhờ bán vũ khí từ Trung Quốc cho Iran, Iraq. Cũng vì chuyện này, công ty của ông đã bị sở Tư Pháp Mỹ điều tra, kết quả là phải đóng cửa các công ty ở Đức, Mỹ. Sau vụ này, ông quyết định ở lại luôn Trung Quốc để tiếp tục nhiều thương vụ làm ăn.

Eisenberg có tổng cộng hơn 43 công ty trên toàn thế giới. Tôi làm việc cho họ tới năm 1978, nhưng vẫn nhớ mãi những bài học từ họ đến tận ngày hôm nay. Cộng đồng doanh nhân Trung Quốc cũng có 3,8 triệu người ở Mỹ với nhiều đặc tính tương đồng, nhưng thực sự không tạo ra ảnh hưởng bằng cộng đồng Do Thái. Bởi suốt thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo, nhiều khó khăn, những Hoa kiều khi đến Mỹ chỉ làm việc chân tay, buôn bán vặt vãnh… Trong khi đó, câu chuyện về gia đình Rothschild gốc Do Thái hoàn toàn tương phản. Có năm người con, ông bố Rothschild quyết định đầu tư đào tạo tất cả làm ngành ngân hàng. Nhưng ông suy tính, nếu sắp đặt cả năm người vào một nơi thì sẽ không phát huy được hết sức mạnh.

Cuối cùng, ông gửi năm con trai đến năm quốc gia khác nhau (Đức, Mỹ, Pháp, Anh và Áo) để làm ăn. Sau này năm người con đã thành công và sở hữu năm ngân hàng lớn nhất ở năm quốc gia có nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Làm ở Eisentberg, tôi mới được biết là 30% nợ của chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài đều thông qua môi giới từ văn phòng Rothschild Hồng Kông.

Tuy nhiên, bản tính và cách làm ăn của người gốc Do Thái luôn là đề tài gây bàn tán. Nói thẳng ra, dù giàu có đến đâu, người Do Thái vẫn rất keo kiệt, thiên về tiền bạc, lợi ích cá nhân và gia đình, chứ ít thiên về tinh thần xã hội cộng đồng. Ở châu Âu và ngay cả ở Mỹ, dù không bộc lộ nhưng vẫn có xu hướng “bài” Do Thái. Bản thân tôi cũng từng là nạn nhân của một doanh nhân Do Thái. Năm 1996, tôi quen anh bạn Do Thái đúng lúc công ty anh ta đang gặp khủng hoảng, gia đình lại trục trặc vì nguy cơ phá sản. Để giúp đỡ anh ta, tôi mua lại công ty, rồi định sẽ tìm cách bán đi để lấy lại vốn. Theo thỏa thuận, tôi đồng ý trả bằng tiền mặt cộng với cổ phiếu của Hartcourt. Nhưng trong hợp đồng, do luật sư của tôi bất cẩn, không ghi rõ về hình thức trả, đến lúc thanh toán lại rơi vào đúng thời điểm giá cổ phiếu của Hartcourt tăng mạnh.

Thế là anh bạn Do Thái nhất quyết đòi tôi phải trả toàn bộ bằng cổ phiếu. Theo thỏa thuận cũ, giá trị công ty mà tôi mua lại chỉ khoảng 200.000 đô la, nhưng nay đã tăng lên 2 triệu đô la nếu tôi buộc phải trả bằng cổ phiếu Hartcourt. Tôi không đồng ý, thế là anh ta kiện tôi ra tòa.

Trước tòa, anh ta rất khôn khéo khi luôn chứng tỏ mình nghèo khó, còn tôi là một ông đại gia ức hiếp người yếu thế. Ngay cả luật sư của anh ta cũng tập trung vào các câu hỏi tôi giàu như thế nào, chi tiêu mua sắm ra sao… Chính vì chiếm được cảm tình từ bồi thẩm đoàn, cùng sơ suất của một hợp đồng không rõ ràng, “người nhận ơn” đã thắng kiện và tôi mất trắng 2 triệu đô la.

-Alan-

Đàn cừu và bầy sói

“Trích từ -Alan-“


Một sự cố lúc lên 10 tuổi tạo nên một cảm nhận sâu sắc khiến tôi hiểu rõ mình hơn. Kiên, một thằng bạn thân luôn cặp kè bên tôi qua nhiều năm trường lớp, cùng tôi tạo cặp bài trùng giang hồ trong thế giới nhỏ bé của tuổi học trò. Cho đến một ngày, vì sự khích bác của một đứa con gái cùng học, chúng tôi chửi nhau và kết thúc bằng một cuộc vật lộn, giữa tiếng reo hò của nhóm.

Kiên lớn xác hơn tôi, nên sau một hồi, nó nằm trên và đấm liên tiếp vào mặt tôi. Sưng bầm, đau đớn, tôi loay hoay mò tìm được một cục đá lớn, đập thẳng vào trán nó. Máu phọt ra, Kiên sợ khóc rống và tôi cũng sợ, khóc theo. Sau khi lãnh thêm nhiều roi vọt từ thầy giám thị đến ông bố, chúng tôi làm lành và nắm tay nhau, hứa không bao giờ để một đứa nào, trai hay gái, làm sứt mẻ tình bạn. Nhất là một đứa con gái mập, mặt rỗ và hôi hám. Chúng tôi không hiểu ma quỷ nào đã khiến chúng tôi ngu thế.


Sau lần đó, vết máu trên trán Kiên ám ảnh tôi. Tôi tránh xa những cuộc cãi vả gây gỗ vì không muốn thấy những đau đớn mình gây ra cho kẻ khác. Ngược lại, Kiên thích đánh nhau hơn, trở nên tên du côn số một của trường. Hắn có thêm vài thằng lâu la phụ giúp và luôn gắng kéo tôi về phe hắn để phá làng phá xóm. Nhưng tôi từ chối và theo con đường học hành nghiêm chỉnh. Hắn thi rớt Tú Tài vài năm liên tiếp, còn tôi thì được học bổng qua Mỹ. Ngày về nước, tôi đến thăm gia đình, họ cho biết Kiên cầm đầu một băng đảng cướp, bị bắt đi tù ở Chí Hòa và chết trong tù sau một cuộc tranh chấp quyền lực gì đó của các tay xã hội đen.


Kiên có bản chất tốt. Hào hiệp, phóng khoáng, thích giúp đỡ người khác và trung thành với bạn bè. Nhưng khi diễn vai trò anh chị của giới giang hồ, Kiên tàn nhẫn vả lạnh lùng cho đúng vai diễn. Rất nhiều nhân vật khác ngoài đời, từ các chính trị gia đến các bố già, thường biểu hiện hội chứng quyền lực này và đều biến thái trầm trọng khi vai diễn đã nhập tâm xác.


Bóng tối của văn minh


Qua các nghiên cứu xã hội và nhận xét cá nhân, tôi thường chia con người trong xã hội thành 2 thành phần chính: sói và cừu. Sói sinh ra để săn, để cưỡng đoạt, để tạo dựng uy quyền, để làm “lãnh tụ” bằng bất cứ giá nào và đường nào. Cừu sinh ra để làm nạn nhân của sói, để được an phận và để phục vụ sói theo bản năng sinh tồn.
Sói hay cừu đều có thể rất thông minh hay ngu dại, rất liều lĩnh hay sợ sệt, rất cuồng tín hay nghi ngại…nhưng khi hành động thì luôn chạy theo cá tính cơ bản của mình. Sói là sói và cừu là cừu. Cừu có thể hoang tưởng cho mình là sói; nhưng sói thì không bao giờ nhầm lẫn.

Biết rõ bản chất thiên nhiên của sói và cừu là hiểu được cái tương quan trong quan hệ quyền lực của thực tại, dù trên bình diện chánh trị, kinh tế, xã hội hay gia đình.

Những cuốn sách gối đầu giường của các lãnh tụ (đang làm hay đang mong ước) về quyền lực phải là “Binh Thư Tôn Tử”, “The Prince” của Machiavelli và “ The 48 Laws of Power” của Greene. Những con sói muốn đi xa và sâu hơn trong sự nghiệp “lãnh đạo” cần đọc thêm tất cả những phù phép trong lịch sử của các quyền lực “cứng” như Hitler, Stalin, Pol Pot, Mao Trạch Đông, Napoleon…và những quyền lực “mềm” như Christ, Lincoln, Churchill, Warren Buffett, hay Ghandi.

Cá nhân tôi, sau bao học hỏi về lý thuyết, cũng như qua những trận đấu sinh tử trong đời làm ăn, rút ra được vài quy luật căn bản về quyền lực, không đầy đủ nhưng rất thiết yếu để các bạn trẻ “bớt ngây thơ” về thế giới của đàn cừu và bầy sói.

  1. Không bao giờ có chuyện nhượng quyền tự nguyện
    Văn hóa từ chức hiện diện trong nhiều xã hội văn minh và nặng lòng tự trọng. Nhưng một con sói đúng nghĩa chỉ bước xuống khi không còn lựa chọn cho tương lai mình. Từ chức là hành động duy nhứt để cứu vãn chút hư danh còn sót lại. Trong những xã hội hoang dã hơn, hy vọng lãnh tụ sẽ tỉnh ngộ để nhường ngôi cho người tài giỏi hơn là một hiện tượng tự sướng dành riêng cho các trí thức tháp ngà ngây thơ và thích lý tưởng hóa thực tại. Những vị học giả này là những con cừu thông minh nhưng hèn kém và sợ sệt mọi đấu tranh có thể làm bẩn áo quần.
    Tôi còn nhớ câu chuyện của một anh bạn bị vợ sói nắm đầu tuyệt đối trong mọi sinh hoạt 24/7, trong và ngoài nhà. Sau một chầu rượu và lời khuyên nhủ của bạn bè, anh chồng cừu về nhà đóng cửa phòng, chỉ mặt vợ,” Gia đình này phải thay đổi. Tôi không thích một chút gì đang xảy ra tại đây”. Bà vợ sói nghiêm giọng,” Tôi đồng ý hoàn toàn. Bắt đầu ngay bây giờ sẽ có những thay đổi lớn lao. Và tôi chắc là anh càng không thích những thay đổi này”.
  2. Không bao giờ có chuyện sói thương cừu và hy sinh cho cừu
    Có những sói lãnh tụ diễn vai rất xuất sắc và mạng lưới PR của đàn em rất tinh xảo để đem một thông điệp và một hình ảnh tuyệt vời về lòng yêu nước thương dân, những hy sinh vì đại nghĩa trong quá khứ (phần lớn là BS đã được xịt nước hoa Gucci), và một viễn ảnh mê hoặc của một thiên đường đầy buffets, chân dài và siêu xe. Đây là những con sói cực kỳ nguy hiểm vì không những bầy đàn phe nhóm của chúng rất lớn rộng, mà chúng sẽ thu hút rất nhiều “cừu thơ ngây” mang nhiệt huyết và ngây dại của tuổi trẻ phục vụ những ý đồ ngông cuồng để phá hoại toàn diện xã hội.
    Các loại sói thường phản bội và bán đứng các đàn anh, đàn em của chúng để đạt điều mong muốn. Chúng đối xử tệ hại với sói đỡ đầu và cả với tay chân bộ hạ nên sự yêu thương dành cho đám cừu hay đám sói đối thủ là chuyện không bao giờ xẩy ra. Đừng hoang tưởng về bản chất thực sự của các sói lãnh đạo.
  3. Các sói lãnh đạo không bao giờ “ngu”
    Sói lãnh đạo có thể thiếu học vấn, không biết chuyên môn hay vụng về trong giao tiếp vì quen sống ở nhà quê hay rừng rú. Nhưng đừng đánh giá thấp trí thông minh sáng tạo của họ, nhất là khi phải đối đầu đánh đấm dối thủ và kẻ thù. Mao xem “trí thức không bằng cục phân” vì ông biết rằng thủ đoạn hay sự tàn bạo của ông sẽ dư sức bẻ gẫy mọi chống đối nửa vời của đa số người dân, có học hay không học.
    Bao nhiêu sói và cừu đã bị tiêu diệt vì coi thường kỹ năng gian dối, tàn nhẫn và trí khôn của các sói lãnh đạo. Họ không hiểu là cái học sách vở không thể so sánh với kinh nghiệm chiến trường khốc liệt mà các sói lãnh đạo đã hấp thụ sau bao ân oán giang hồ.
  4. Săn theo bầy nhưng sẵn sàng giết nhau để chiếm quyền
    Đặc tính dễ nhận ra nhất là sói sống theo đàn, săn theo bầy, luôn vâng lệnh lãnh tụ và khi tấn công kẻ thù thì rất lớp lang chiến thuật, không kém một đạo binh thời drones này. Tuy nhiên, chỉ cần một điểm yếu lộ diện, là con sói đầu đàn sẽ bị đảo chánh và ăn thịt ngay. Chắc chắn là stress của các lãnh tụ này cao ngất trời xanh.
    Cuộc chiến nội bộ âm thầm diễn ra liên tục. Do đó, dù sói không muốn giao quyền lại cho ai, và tìm đủ mọi cách để triệt hạ các dối thủ tiềm năng, định luật thiên nhiên luôn đào thải kẻ yếu và cho phép kẻ mạnh nhất, tàn nhẫn nhất ‘lãnh đạo”.

Sói hay cừu?


Quay lại với ông già Alan. Nhiều người hỏi thế ông là sói hay cừu? Tôi cũng muốn hoang tưởng cho mình là một con sói thông minh kiểu The Lone Wolf của văn chương u Mỹ. Nhưng tôi biết cá tính mình không bao giờ có thể làm sói, dù lãnh tụ hay theo đàn. Mà mình cũng không phải là cừu để làm nạn nhân của ai. Ở tuổi này, tôi chỉ có thể làm một con khỉ già, sống trên những tàng cây cao, tránh xa nanh vuốt của loài sói.
Và những đêm sáng trăng, đứng trên xa, nhìn tiếng hú gọi đàn của bầy sói và tiếng la hét kinh hoàng của đàn cừu, tôi mới hiểu tại sao Joseph Conrad nói về The Heart of Darkness. Không làm gì hơn ngoài một tấm lòng bất nhẫn… nhưng phải lặng im chấp nhận quy luật và chu kỳ của thiên nhiên.